Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Chuyển tiền ra nước ngoài: Tiền bán tài sản thừa kế

Vợ chồng ông Đinh Văn Tuấn đang sinh sống ở Canada, được cha mẹ thừa kế cho 1 mảnh đất ở quê hương Việt Nam nhưng không có nhu cầu sử dụng. Ông Tuấn hỏi, vợ chồng ông có thể bán phần đất trên để chuyển tiền ra nước ngoài được không? Thủ tục gồm những gì và ông có phải nộp thuế không?

Về vấn đề trên, Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:


Nộp thuế mức 2% giá trị chuyển nhượng 


Tại khoản 5 Điều 113 Luật Đất đai năm 2003 quy định: "Cá nhân có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó”.

Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được nhận thừa kế nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, hay thuộc đối tượng chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì đều được chuyển nhượng di sản cho người khác để hưởng giá trị bằng tiền, khi đã có các giấy tờ sau: Di chúc; hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế; hoặc văn bản khai nhận thừa kế; hoặc bản án, quyết định giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất của Toà án đã có hiệu lực pháp luật;

Một trong các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của bên để thừa kế:

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp theo quy định tại Nghị định số 60/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai mà trong nội dung giấy chứng nhận đã có ghi nhận về nhà ở của bên để thừa kế;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nếu ủy quyền cho người khác phải có Hợp đồng ủy quyền bán nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, hay Hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất được lập theo quy định của pháp luật về dân sự Việt Nam.

Người chuyển nhượng nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ việc chuyển nhượng với mức 2% giá trị chuyển nhượng.

Được chuyển tiền ra nước ngoài mỗi năm tối đa không quá 10.000 USD hoặc 20% số tiền

chuyển tiền ra nước ngoài - tiền bán tài sản thừa kế
Chuyến tiền ra nước ngoài áp dụng với tiền bán tài sản thừa kế

Điều 25 Pháp lệnh Ngoại hối quy định: Người không cư trú là tổ chức, cá nhân có đồng Việt Nam từ các nguồn thu hợp pháp được mở tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép để sử dụng tại Việt Nam hoặc mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài.

Tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 8 Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định: Người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài thông qua tổ chức tín dụng được phép để chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;

Theo Điều 10 Quy định về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 1437/2001/QĐ-NHNN ngày 19/11/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) thì công dân Việt Nam đại diện cho người thừa kế ở nước ngoài được liên hệ với Ngân hàng theo thẩm quyền để làm thủ tục chuyển, mang ngoại tệ trên cơ sở nộp các loại giấy tờ sau:

- Đơn xin chuyển, mang ngoại tệ;

- Bản chính hoặc bản sao công chứng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc chia thừa kế hoặc di chúc, văn bản thoả thuận giữa những người thừa kế hợp pháp;

- Văn bản uỷ quyền của người thừa kế (có công chứng, chứng thực) hoặc tài liệu chứng minh tư cách đại diện theo pháp luật của người xin chuyển, mang ngoại tệ.

- Bản sao giấy chứng minh nhân dân (đối với trường hợp xin chuyển ngoại tệ) hoặc bản sao hộ chiếu (đối với trường hợp xin mang ngoại tệ).

Công dân Việt Nam đại diện cho người thừa kế ở nước ngoài được chuyển, mang mỗi năm tối đa không quá 10.000 USD hoặc 20% số tiền nếu tổng số tiền được thừa kế lớn hơn 50.000 USD. Trường hợp số tiền xin chuyển, mang lớn hơn 50.000 USD, công dân Việt Nam phải xuất trình giấy tờ chứng minh thực có số tiền xin chuyển cho mục đích thừa kế.

Số tiền còn lại (bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ), công dân Việt Nam được gửi vào Ngân hàng được phép để chuyển dần (bao gồm gốc và lãi phát sinh) trong các năm tiếp theo, theo phương thức Lệnh chuyển tiền định kỳ đã được thoả thuận giữa Ngân hàng được phép và người có yêu cầu chuyển ngoại tệ nhưng mỗi năm tối đa không quá mức quy định trên. Trường hợp gửi vào Ngân hàng được phép bằng đồng Việt Nam, công dân Việt Nam được mua ngoại tệ theo tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng được phép tại thời điểm chuyển ngoại tệ theo thoả thuận giữa Ngân hàng được phép và người có yêu cầu chuyển ngoại tệ trong Lệnh chuyển tiền định kỳ.

Trường hợp ông Đinh Văn Tuấn, tự mình bán tài sản thừa kế và chuyển, mang tiền ra nước ngoài thì, theo quy định tại Điều 25 Pháp lệnh Ngoại hối, ông được mở tài khoản tiền đồng Việt Nam tại Ngân hàng được phép, chuyển tiền có được từ việc bán tài sản thừa kế vào tài khoản, sau đó đề nghị được mua ngoại tệ và chuyển, mang tiền ra nước ngoài.

Nếu ông Tuấn ủy quyền cho người đại diện là công dân Việt Nam bán tài sản thừa kế, chuyển tiền ra nước ngoài thì áp dụng theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 8 Nghị định 160/2006/NĐ-CP và Điều 10 Quy định về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài (Ban hành kèm theo Quyết định số 1437/2001/QĐ-NHNN ngày 19/11/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) nêu trên.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội 


* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét