Theo phản ánh của nhiều người dân, dù nhiều cơ quan chức năng tuyên bố đã nới lỏng lãi suất và tạo điều kiện cho vay mua nhà nhưng dường để ngân hàng cho vay mua nhà còn khó hơn "bắc thang lên giời"...
Ngân hàng cho vay mùa nhà: thách đố người vay
Anh Dương Văn Chất (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ: "Hai vợ chồng dành dụm được chút tiền, cộng thêm hai bên gia đình hỗ trợ nên quyết định đi vay thêm từ ngân hàng để mua căn nhà. Sau khi nghe được thông tin, ngân hàng cho vay mua nhà với lãi suất thấp dành cho người thu nhập thấp, tôi rất vui mừng vì sắp có được căn nhà trong mơ. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như tôi nghĩ".
Cùng ý định như anh Chất, chị Nguyễn Thị Kim Huệ (ngụ quận 8, TP.HCM) cũng rơi vào cảnh tương tự. Để vay được tiền từ các ngân hàng mà mua nhà thì khó trăm bề. Nơi đầu tiên anh Chất đến là ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bắc Sài Gòn. Dự định mua một miếng đất ở huyện Củ Chi với diện tích hơn 200m2, có một căn nhà cấp bốn, giấy tờ hợp lệ, người bán rao khoảng 450 triệu đồng. Xem đất đai, nhà cửa ổn thỏa cả, anh tìm đến BIDV để vay tiền.
Tại đây, anh được ông Phạm Đức Phú, chuyên viên quan hệ khách hàng cho biết, nếu anh muốn ngân hàng cho vay mua nhà thì phải chứng minh thu nhập của hai vợ chồng. Đó là điều kiện cần để đảm bảo khả năng trả nợ hàng tháng. Anh Chất cho biết, hiện đang công tác tại một cơ quan Nhà nước, thủ trưởng đơn vị đã xác nhận thu nhập hàng tháng là 14 triệu đồng, kèm theo hợp đồng lao động. Điều kiện này của anh cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của BIDV. Bây giờ nhu cầu của anh Chất là vay khoảng 250 - 300 triệu đồng, vay trong vòng 10 năm, trả lãi và gốc hàng tháng. Tuy nhiên, ông Đức cho biết, việc ngân hàng cho vay mua nhà phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nữa. Thứ nhất, thửa đất anh mua nằm quá xa so với ngân hàng (mặc dù BIDV Bắc Sài Gòn cũng nằm ở huyện Củ chi); thứ hai có vay được số tiền đó hay không phải đợi phía ngân hàng đi khảo sát mới quyết định; thứ ba, người chủ thửa đất đó có đồng ý sang tên cho anh để đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này vào thế chấp ở ngân hàng hay không...
Sau khi xem qua tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất anh Chất dự định mua, ông Đức cho biết, rất khó có thể vay được số tiền 200 triệu đồng, vì đất ở khu vực anh Chất giá rất thấp. Thất vọng rời BIDV Bắc Sài Gòn, anh Chất quyết định gõ cửa ngân hàng Việt Nam Thương tín Củ Chi (VIETBANK). Tại đây, ngoài những điều kiện như BIDV Bắc Sài Gòn, ông Trương Thành Nguyện, chuyên viên kinh doanh VIETBANK Củ Chi cho biết, anh cần phải chuẩn bị thêm một số giấy tờ khác. Đó là mẫu xác nhận thu nhập ba tháng gần nhất của ngân hàng; bản vẽ hiện trạng khu đất anh dự định mua; giấy chứng nhận đã đóng phí trước bạ của lô đất (hai loại này anh cần liên hệ với chủ đất để xin bản photo). Chưa hết, anh phải bổ sung thêm hồ sơ vay vốn hợp đồng lao động của vợ; giấy xác nhận lương hoặc bản sao kê lương ba tháng gần nhất của vợ; kê khai các tài sản hiện có… Đặc biệt, khác với nhiều ngân hàng khác, ông Nguyện cho biết: "Khi nộp hồ sơ, người vay phải đóng thêm 450.000 đồng để ngân hàng làm phí thẩm định đất".
Anh Chất chạy sang ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Tại đây, anh được một nhân viên cho biết, ngân hàng cho vay mua nhà với những người có hộ khẩu và đang sinh sống tại Củ Chi mà thôi. Tìm sang ngân hàng Á Châu (ACB) chi nhánh Củ Chi, bà Phạm Thị Hồng Sâm, nhân viên tư vấn tài chính cá nhân ACB cho biết, anh phải chuẩn bị tất cả những giấy tờ nêu trên, chỉ không phải đóng phí thẩm định đất mà thôi. Chưa nản, anh Chất tìm đến ngân hàng Cổ phần Thương mại Sài Gòn (SCBank) nhưng được cán bộ ở đây cho biết là không có chương trình cho cá nhân vay. Mất một ngày trời, nhưng anh Chất đành quay về vì cần quá nhiều thủ tục để đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng cho vay mua nhà. Đơn cử, "số tiền họ có thể cho mình vay là rất ít so với nhu cầu. Kế nữa, khi mình vay thì cần phải thế chấp chính căn nhà, thửa đất định mua nên rất khó khăn. Theo quy định của ngân hàng, người bán đất phải đồng ý sang tên quyền sở hữu đất cho bên mua. Sau đó, ngân hàng mới giải ngân vào tài khoản cho bên bán. Điều này rất khó, vì bên bán họ không hiểu nên không đồng ý. Cái này chẳng khác nào thách đố người mua nhà. Ngoài các giấy tờ nói trên thì người đi vay cần phải có hộ khẩu thường trú tại TPHCM", anh Chất nói.
Khi người nghèo 'bắc thang' để ngân hàng cho vay mua nhà
Lãi suất 6%/năm chỉ là mơ
Còn chị Nguyễn Thị Kim Huệ, nghe theo một số người, tìm đến một số ngân hàng cho vay mua nhà hình thức tín chấp, không cần tải sản đảm bảo để vay khoảng 250 triệu đồng. Nghe qua cụm từ này có vẻ dễ dàng vay vốn, nhưng khi bước vào ngân hàng thì lại khó khăn vô cùng. Chị Huệ tìm đến ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Tại đây, chị được bà Lê Thị Thu Kỳ, Trưởng bộ phận Bán hàng cho biết, dù hồ sơ của chị đầy đủ nhưng không nằm trong danh sách ưu tiên để ngân hàng cho vay mua nhà nên đành chịu, do chị Huệ đang làm Trưởng phòng kinh doanh cho một công ty cổ phần Dược tại quận Bình Thạnh, tổng thu nhập một tháng là 16,5 triệu đồng.
Chị Huệ lại tìm đến công ty Tài chính Prudential Việt Nam. Tại đây, chị có thể vay được khoảng 100 triệu đồng nhưng cần rất nhiều thủ tục. Ngoài các loại giấy tờ cơ bản: Hợp đồng lao động, bảng lương, hộ khẩu thường trú... thì cần phải có hóa đơn tiền điện hoặc tiền nước nơi cư trú tháng gần nhất. Những điều kiện hết sức ngặt nghèo. Tuy nhiên, vấn đề mà chị Huệ lo nhất chính là lãi suất ngân hàng cho vay mua nhà.
Nếu vay của công ty Tài chính Prudential thì lãi suất ngân hàng cho vay mua nhà sẽ là 2,63% (khoảng 31%/năm). Con số này rất cao so với các ngân hàng. Việc trả lãi và gốc hàng tháng cũng sẽ rất cao nên chị Huệ quyết định ngừng ý tưởng mua được căn nhà trong mơ. Tương tự, anh Chất ngoài không đáp ứng được các yêu cầu của phía ngân hàng thì cũng không "chịu" được lãi suất khá cao. Thực tế, những lời quảng cáo ngân hàng cho vay mua nhà thu nhập thấp với lãi suất 6% tháng chỉ là chiêu trò kinh doanh mà thôi.
Cụ thể, tại VPBank, bà Kỳ cho biết, lãi suất cho vay tín chấp là 1,5% (tương đương 18%/năm). Còn nếu mở thẻ ghi nợ cá nhân (tối đa 100 triệu đồng để mua hàng, rút tiền mặt...) thì lãi suất lên tới 4,2%/tháng (trên 50%/năm), cao ngất ngưỡng. Còn ngân hàng BIDV thì lãi suất cho vay cho người thu nhập thấp mua nhà là 6% trong năm đầu, thời gian còn lại sẽ áp dụng lãi suất thị trường (hiện khoảng 13 - 14%). Còn tại VietBank thì lãi suất tháng đầu tiên là 10% còn thời gian còn lại là khoảng 16 - 17%/tháng. Tương tự, tại ACB cũng sẽ là 14%/tháng...
Rõ ràng khẩu hiệu "ngân hàng cho vay mua nhà với lãi suất 6%" chỉ là chiêu trò quảng cáo của các ngân hàng, thực chất việc áp lãi suất cho vay theo thị trường là chủ yếu (trong thời hạn mà các ngân hàng cho vay). Các chuyên gia cho rằng, với những điều kiện ngặt nghèo của các ngân hàng như hiện nay sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức cho vay, hoặc vay theo kiểu chợ đen hoạt động mạnh mẽ.
Cơ hội cho vay kiểu "xã hội đen" phát triển
Luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP. HCM (Hội Luật gia Việt Nam) cho biết: "Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, nhu cầu vay tiền của người dân là rất lớn. Trong khi các ngân hàng lại siết chặt cho vay hoặc phải trải qua nhiều công đoạn, nhiều khâu, người dân mới có thể vay được tiền. Đó chính là môi trường tốt cho các hình thức cho vay như kiểu Prudential hoặc vay kiểu chợ đen… có đất sống. Còn trường hợp nào cho vay vượt trần lãi suất quy định của ngân hàng Nhà nước công bố là vi phạm pháp luật. Tôi cho rằng, ngân hàng Nhà nước nên thanh tra, xem xét lại và có hướng điều chỉnh kịp thời các hình thức cho vay này".
Trung Nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét