Cho vay thế chấp cổ phiếu là một nghiệp vụ rất cơ bản trên thế giới và các ngân hàng Việt Nam đã có nhiều năm triển khai. Tuy nhiên nghiệp vụ cho vay thế chấp cổ phiếu vẫn tiềm ẩn đầy rủi ro khó lường hết.
Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán thế giới, hoạt động cho vay thế chấp dựa trên chứng khoán (securities-based loan) cũng ngày càng phát triển và được xem là kênh quan trọng giúp tăng thanh khoản cho thị trường. Trong đó hình thức sơ khai nhất chính là cho vay thế chấp cổ phiếu (margin loan).
Nghiệp vụ cho vay thế chấp cổ phiếu lần đầu được các ngân hàng tại Việt Nam triển khai vào cuối năm 2005, đầu năm 2006 và phát triển rất mạnh vào giai đoạn 2007 – 2008 khi thị trường chứng khoán “sốt” nóng. Ban đầu tỷ lệ cấp vốn trên giá trị cổ phiếu thế chấp cũng như danh mục cổ phiếu được chấp nhận thế chấp khá bó hẹp, nhưng sau đó đã được mở rộng nhanh chóng.
Sau khi thị trường tài chính thế giới khủng hoảng giai đoạn 2008 – 2009 cộng với những động tác thắt chặt chính sách mạnh mẽ của ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay thế chấp chứng khoán mới sụt giảm. Tuy nhiên có vẻ như thời gian gần đây hoạt động này đã sôi động trở lại, thậm chí có không ít doanh nghiệp đã thế chấp cổ phiếu và được ngân hàng cho vay tới vài trăm tỷ đồng.
Cho vay thế chấp cổ phiếu tiềm ẩn nhiều rủi ro
Nếu thị trường chứng khoán diễn biến thuận lợi, rủi ro từ những khoản vay này không có gì đáng lo bởi người vay vốn vẫn đang kiếm lời, đồng thời giá trị tài sản đảm bảo của họ vẫn có xu hướng tăng. Trong trường hợp xấu nhất, các ngân hàng hòan toàn có thể phát mại để thu hồi nợ gốc và lãi. Tuy nhiên với những diễn biến bất lợi liên tiếp từ cuối tháng 8 đến nay, rõ ràng các ngân hàng đang đối mặt với rủi ro nợ xấu.
Thông thường đối với giao dịch cho vay thế chấp chứng khoán, các ngân hàng cấp tín dụng bằng khoảng 50% giá trị cổ phiếu thế chấp tại thời điểm định giá, nhưng không quá 2 hay 3 lần mệnh giá. Như vậy với 100 đồng vốn bỏ ra mua cổ phiếu, nhà đầu tư có thể vay thêm từ 40 - 50 đồng từ ngân hàng. Với số vốn vay này nhà đầu tư lại tiếp tục mua cổ phiếu và thế chấp vào ngân hàng khác để vay vốn lần nữa. Cứ như vậy số lần sử dụng đòn bẩy tài chính càng nhiều số tiền họ vay được càng cao.
Khi thị trường lao dốc, tác dụng “đòn bẩy ngược” sẽ khiến nhà đầu tư thua lỗ nhanh chóng và khả năng không thể hoàn trả khoản vay cho ngân hàng là rất dễ xảy ra. Trong khi đó chỉ tính riêng trong vòng 1 tháng qua, chỉ số VN Index đã giảm tới hơn 10%, từ mức 437,28 của ngày 20/8 xuống chỉ còn 389,28 trong ngày 20/9. Còn so với mức đỉnh cao 488,07 được thiết lập ngày 8/5, VN Index sụt tới 20,2%. Nhiều mã được xem là bluechip đã mất giá gần 50% so với đầu năm.
Khi giá cổ phiếu sụt quá mạnh, vượt tỷ lệ đã thỏa thuận giữa ngân hàng và người thế chấp, các ngân hàng thường có một trong hai động thái đó là yêu cầu khách hàng bổ sung tài sản đảm bảo, hoặc lấy cổ phiếu bán để xử lý nợ.
Dù vậy ngay cả khi “xiết” được cổ phiếu, ngân hàng cũng khó lòng bán phát mại bởi một khi thị trường đã đi xuống thanh khoản sẽ sụt giảm, và việc đưa thêm hàng ra trong lúc thị trường đã ế ẩm sẽ chỉ càng khiến giá giảm thêm. Nhưng nếu không bán, thời gian nắm giữ càng lâu rủi ro cho ngân hàng càng tăng.
Tại một số phiên gần đây, khi thị trường lao dốc mạnh đã xuất hiện những giao dịch thỏa thuận với khối lượng đột biến của một số mã cổ phiếu. Rất có thể trong thời gian tới với tình hình thị trường như hiện nay, sẽ còn nhiều đợt giao dịch thỏa thuận kiểu này.
Thanh Tùng (Dân Trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét