Tham dự hội nghị tổng kết 10 năm đề án đào tạo cán bộ tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước sáng 9/12, nhiều đại biểu cho rằng nên chuyển từ cấp học bổng sang cho vay du học để đảm bảo người học quay về phục vụ đất nước.
Khẳng định việc thực hiện đề án 322 về cử người đi học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước là kế thừa truyền thống, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước Trần Văn Nhung dẫn chứng, năm 1905, cụ Phan đã cho du học để duy tân. "Những người được đào tạo nước ngoài về như luồng gió mới thổi vào nền giáo dục. Chúng ta chưa thể thấy ngay mà nó sẽ ngấm dần dần", GS Nhung nói.
Là đơn vị đứng đầu cả nước về số người trúng tuyển đi học theo đề án 322, ĐH Quốc gia TP HCM có tới 365 người học tiến sĩ, thạc sĩ, thực tập sinh, đại học ở nước ngoài. Phó giám đốc Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ, những cán bộ được gửi đi học khi về đều được bố trí làm nghiên cứu khoa học, tuyệt đối không sử dụng trong lĩnh vực quản lý để tránh lãng phí nhân tài.
Ông Nghĩa cho biết, đội ngũ được đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước có vai trò rất lớn trong việc phát triển chất lượng giáo dục của trường.
Nhiều lãnh đạo đại học, bộ, ngành đề nghị chuyển từ học bổng sang học bổng cho vay du học ở đề án 322 để đảm bảo người học quay về phục vụ đất nước sau khi tốt nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học cũng thừa nhận, nhờ đề án 322 mà cán bộ, nhân viên của Bộ Nông nghiệp đã có cơ hội được học tập, nâng cao trình độ ở nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở đào tạo cũng có điều kiện nâng cao trình độ giảng viên. Thứ trưởng Học cho rằng, chính đội ngũ này hiểu nhất nội dung, chương trình đào tạo tiên tiến ở các nước. Đây chính là nguồn lực để thực hiện đổi mới toàn diện nền giáo dục.
Mặc dù vậy, sau 10 năm thực hiện, đề án 322 vẫn còn nhiều hạn chế chưa khắc phục được. Bà Vũ Thị Bích (Viện Vật lý) cho biết, hiện nay tiền từ ngân sách gửi cho du học sinh vẫn còn rất chậm. Thậm chí, nhiều em phải về nhà chờ lấy tiền nhưng đến ngày đi rồi vẫn chưa được nhận. Viện cũng đã gửi rất nhiều công văn cho Bộ Giáo dục nhưng chưa bao giờ được trả lời. Bên cạnh đó vấn đề thủ tục, giấy tờ cũng rất chậm trễ, ảnh hưởng đến việc học của các em.
Đại tá Phan Tiến Hạc, Phó cục trưởng Cục cán bộ (Bộ Quốc phòng) cho rằng việc thông báo chỉ tiêu đến các trường của Bộ hiện nay còn chậm, khiến thời gian gấp, gây khó khăn cho việc làm hồ sơ. Ngoài ra, việc đào tạo nguồn để du học nước ngoài còn khó khăn, nhất là vấn đề ngoại ngữ. Ông mong Cục đào tạo nước ngoài nên dành một phần kinh phí để đào tạo ngoại ngữ cho học viên trước khi du học.
Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM Nguyễn Đức Nghĩa đề xuất, Cục đào tạo nước ngoài phải có quy trình đăng ký học bổng 322 công khai, có thời gian cụ thể. Ở một số nước chi tiêu đắt đỏ, nhà nước nên tăng hỗ trợ để sinh viên sống tốt hơn. Ông cũng cho rằng, phạm vi du học theo đề án 322 nên mở rộng đối tác các ngành xã hội, nhân văn, khí hậu, kinh tế biển.
"Chúng ta nên phát triển đề án 322 theo hướng giảm dần đầu tư ngân sách của nhà nước mà có sự phối hợp của đơn vị cử người đi đào tạo, bản thân người học để giảm gánh nặng cho nhà nước. Chúng ta cũng nên gửi người đi học từ thạc sĩ để tạo nguồn cho đào tạo tiến sĩ", ông Nghĩa đề xuất.
Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên Trần Trung đề xuất, Bộ nên chuyển từ cấp học bổng du học sang dạng học bổng cho vay du học có sự bảo lãnh của gia đình. Người học chỉ được xóa nợ khi về cơ quan cũ công tác 2-3 lần thời gian đi học và việc xóa nợ cũng được thực hiện dần dần.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau 10 năm đề án 322 đã có những kết quả đáng tự hào. Cục đào tạo nước ngoài có dữ liệu của khoảng 1.000 trường đại học khắp thế giới, nơi Việt Nam có người theo học. Đó là dữ liệu quý không phải ai cũng có được.
Phó thủ tướng đánh giá, trong 10 năm, có hơn 7.000 người được đào tạo ở nước ngoài, trong đó 95% về nước đúng hạn, 2% hoàn thành và tiếp tục bậc học cao hơn, 2% về chậm hoặc chưa hoàn thành, 1% không về là con số đáng mừng. Trong khi chưa có chế tài đủ mạnh nhưng số người thực hiện đúng cam kết gần tuyệt đối. "Không có lưới nào có thể kéo người học về được ngoài nhận thức, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của họ", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng chỉ đạo, thời gian tới, cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ khoa học công nghệ, trong đó nòng cốt là những cán bộ đi học nước ngoài về. Ông nhấn mạnh đề án 322 sẽ kết thúc vào năm 2014- 2015 và yêu cầu Bộ Giáo dục, Cục đào tạo với nước ngoài xây dựng một đề án mới, tiếp tục cử người đi học ở nước ngoài. Đề án mới phải hoàn thành vào tháng 2/2012.
"Nhiệm vụ của việc cử người đi du học bằng ngân sách nhà nước là cung cấp cán bộ khoa học công nghệ cho các đơn vị nghiên cứu và bồi dưỡng nhân tài, tài năng nghệ thuật cho đất nước", Phó thủ tướng nói.
Hoàng Thùy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét