Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Cách kiểm soát tiền gửi thanh toán và tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng

Trước khi ký bất kỳ giấy tờ nào, bạn cần đọc kỹ nội dung, tự điền thông tin vào các ô quan trọng; không vì thân quen với nhân viên ngân hàng mà ký khống giấy tờ; nên dùng dịch vụ truy vấn thông tin để kiểm soát các khoản tiền gửi của mình (tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm)...

Nhiều ý kiến gửi đến chuyên mục "Tài chính thông minh" đều tỏ ra lo ngại liệu gửi tiền tiết kiệm, để tiền trong tài khoản ngân hàng có còn an toàn, nhất là sau khi các vụ lừa đảo có sự tham gia của một số nhân viên ngân hàng được phản ánh thời gian qua. Một số chia sẻ sau đây có thể giúp bạn kiểm soát tiền tại ngân hàng, tránh các rủi ro không đáng có.
Cách kiểm soát tiền gửi thanh toán tại ngân hàng
Kiểm soát tiền gửi thanh toán và tiền gửi tiết kiệm cần có những lưu ý nhất định


Cập nhật thường xuyên thông tin về tiền của bạn tại ngân hàng


Hiện nay có nhiều vụ gian lận, lừa đảo xuất phát từ việc khách hàng không biết về tình trạng của các khoản tiền như tiền gửi thanh toán hay tiền gửi tiết kiệm của mình. Số dư sau khi thanh toán, gửi thêm tiền; khi nào khoản tiết kiệm đến hạn; các biến động khác của tài khoản hoặc tiết kiệm đều không được cập nhật lại cho khách hàng.

Một giải pháp đơn giản để khắc phục vấn đề này là dịch vụ truy vấn thông tin biến động tài khoản qua điện thoại hoặc email đang được hầu hết ngân hàng triển khai. Dịch vụ này giúp bạn cập nhật mọi giao dịch phát sinh tiền ra tiền vào của tài khoản, chi tiêu qua thẻ, thậm chí ngay cả sổ tiết kiệm mới mở tại quầy sẽ được thông báo biến động cho bạn thông qua tin nhắn điện thoại hoặc email.

Bên cạnh đó, sử dụng ngân hàng trực tuyến cũng là một giải pháp cập nhật thông tin về tiền của mình tại ngân hàng nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi. Bạn có thể tra cứu toàn bộ giao dịch phát sinh của tài khoản, thẻ tín dụng theo ngày hoặc theo số tiền, kiểm tra số dư qua máy tính, laptop, các máy tính bảng hay điện thoại thông mình một cách nhanh chóng. Mọi thông tin về sổ tiết kiệm gửi trực tiếp tại quầy hay gửi online đều thể hiện rõ, giúp bạn dễ dàng quản lý số tiền gửi, lãi suất, kỳ hạn, ngày đến hạn của sổ.

Có một số người cũng đặt câu hỏi về tính bảo mật của dịch vụ này như: dịch vụ ngân hàng trực tuyến thuận tiện như vậy nhưng có an toàn; nếu máy tính, điện thoại của tôi bị hack hay bị đặt virus thì sao; người khác có truy cập vào tài khoản online của tôi được không... Khách hàng có thể yên tâm với công nghệ bảo mật hiện đại trên thế giới RSA, đang được áp dụng tại một số ngân hàng đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ.

Để truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử hay thực hiện mọi giao dịch như chuyển tiền, gửi tiết kiệm trực tuyến… khách hàng đều phải xác thực bằng mật khẩu gồm 2 phần. Một là mật khẩu do chính khách hàng tạo ra, chỉ mình khách hàng biết. Hai là mã số được sinh ra ngẫu nhiên từ thiết bị chuyên biệt, thay đổi liên tục theo từng phút (Token key). Việc áp dụng mật khẩu kép giúp bạn yên tâm mà không phải lo lắng về bất cứ gian lận cũng như rủi ro nào khi giao dịch trực tuyến.

Thận trọng mỗi khi đặt bút ký


Trong bất kỳ giao dịch nào, bạn nên tìm hiểu trước và yêu cầu giao dịch viên giải thích, tư vấn những thông tin còn chưa rõ ràng, không vì thân quen với nhân viên ngân hàng đã giao dịch nhiều lần tin tưởng mà không cẩn thận, ký khống giấy tờ.

Ví dụ: khi gửi tiền tiết kiệm, gửi tiền vào tài khoản, trước khi đặt bút ký giấy tờ, biểu mẫu của ngân hàng, bạn cần đọc kỹ nội dung chi tiết, tự mình điền đầy đủ thông tin, không nên để trống các ô quan trọng (như số tiền bằng cả chữ và số, số tài khoản, kỳ hạn, diễn giải nội dung…), kiểm tra các thông tin khớp đúng, chính xác. Kết hợp với việc nhận tin nhắn điện thoại thông báo mở sổ tiết kiệm thành công với thông tin khớp đúng... sẽ giúp bạn yên tâm về khoản tiền gửi của mình.

Chọn mặt gửi vàng


Những yếu tố cơ bản mà mọi người lựa chọn ngân hàng để gửi tiền thường là mức độ uy tín, vốn lớn, hệ thống mạng lưới rộng khắp. Tuy nhiên,bạn cũng cần bổ sung thêm yếu tố ngân hàng có cơ chế quản trị rủi ro tốt. Nhận diện những đơn vị này không khó, họ thường là những ngân hàng có truyền thống kết hợp với các đối tác uy tín nước ngoài lâu năm, nên học hỏi và áp dụng được kinh nghiệm từ các đối tác này.

Đơn cử như những ngân hàng trong nước hợp tác với đối tác chiến lược ngân hàng nước ngoài và hiện đẩy mạnh việc kiểm soát rủi ro trên cả 3 tuyến:

Kiểm soát trước: các cán bộ quản lý tại chi nhánh/phòng giao dịch luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ các quy định, quy trình của ngân hàng... Đây là chốt chặn đầu tiên trong việc nhận diện sớm các sai phạm, rủi ro về các khoản tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi thanh toán.

Kiểm soát sau: hệ thống phân cấp, ủy quyền rõ ràng minh bạch, quy định về hạn mức rủi ro cụ thể đối với từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện giao dịch. Từ đó, từng công việc được giao cho nhiều người, nhiều đơn vị cùng tham gia để tránh việc một người có quyền thực hiện mọi thao tác.

Kiểm tra định kỳ: một bộ phận chuyên trách thường xuyên kiểm tra các số liệu, rà soát và phát hiện các sai sót, điều tra gian lận nếu có, giám sát 2 tuyến trước, đảm bảo tính tuân thủ của toàn bộ khung quản lý.

Với việc kiểm soát chặt chẽ trên thì việc xảy ra gian lận là không thể và quyền lợi của khách hàng luôn được bảo đảm.

Chủ động tìm hiểu thông tin về ngân hàng


Các kênh thông tin ngày càng đa dạng, bạn nên chủ động tìm hiểu thêm về các sản phẩm, quy trình xử lý của ngân hàng mình đang gửi tiền, giao dịch. Bạn có thể tra cứu thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng báo đài, gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng miễn phí của ngân hàng hay đến chi nhánh hoặc phòng giao dịch...

Với những cách trên, bạn sẽ luôn đảm bảo tiền của mình được giao dịch một cách an toàn tại ngân hàng và tránh bị sử dụng sai mục đích.

Thu Ngân

Nguồn:
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/tien-cua-toi/cach-kiem-soat-tien-gui-tai-ngan-hang-2944032.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét