Tại TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh sức mua xuống thấp như hiện nay, các hình thức cho vay tiêu dùng như cho vay mua ô tô, cho vay mua nhà, trả góp đang được các ngân hàng kết hợp với điểm bán tung ra rầm rộ nhằm kích thích người tiêu dùng. Không phủ nhận tiện ích này mang lại, tuy nhiên, nhiều khách hàng phàn nàn rằng lãi suất cho vay tiêu dùng quá cao, kèm theo các điều kiện chỉ có lợi cho tổ chức cho vay.
Các khoản vay tiêu dùng như cho vay mua ô tô, xe máy có những điều đáng lưu ý nhất định. |
Lãi suất phụ thuộc vào mức độ tín nhiệm
Các Ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay tiêu dùng (TD) ở các lĩnh vực bất động sản, cho vay mua ô tô, mua xe máy, thẻ tín dụng với mức lãi suất 15 - 20%/năm và khoản vay có khi lên đến cả tỷ đồng. Trong khi đó, các tổ chức tài chính (TC) chỉ tập trung cho vay mua xe máy và đồ điện máy với số tiền nhỏ, trên dưới 50 triệu đồng nhưng lãi suất rất cao, có lúc lên đến 50%/năm.
Sự chênh lệch giữa lãi suất cho vay của NHTM và tổ chức TC là bởi sự đánh giá rủi ro của hai bên khác nhau. Khi cho vay TD, các NHTM nhắm tới đối tượng khách hàng đã có tiền gửi, tài khoản của ngân hàng… mức độ rủi ro thấp nên lãi suất cho vay thấp hơn. Trong khi đó, các tổ chức TC quan tâm đến những người có nhu cầu, nhưng không có tài sản bảo đảm, mức độ rủi ro cao nên lãi suất cao hơn. Dù vậy, nhiều người vẫn chọn vay TD ở công ty TC bởi cho vay nhanh và thủ tục không phức tạp như vay NHTM.
Theo ông Friedrich Weiss, Tổng Giám đốc Home Credit, một trong những công ty tài chính dẫn đầu về cho vay tại điểm bán ở Việt Nam (chiếm đến 65% thị phần thị trường tài chính xe máy) thì với cho vay TD, mức độ rủi ro phụ thuộc vào mức độ tín nhiệm của khách hàng, vì vậy lãi suất cũng sẽ tùy thuộc vào từng nhóm khách. Ở một số nước phát triển, lãi suất với đối tượng có tín nhiệm cao có thể bắt đầu từ 0%; tuy nhiên ở các thị trường như Đức, Pháp thì cũng có mức lãi suất 80-90% với những khách hàng có mức tín nhiệm thấp.
Một trong những điều mà người vay TD phàn nàn là trả hết khoản vay, kết thúc sớm hợp đồng cũng bị phạt. Ông Friedrich Weiss giải thích, các khoản vay TD hầu hết là khoản vay ngắn, trên dưới 12 tháng. Các ngân hàng cũng phải huy động vốn mới có cho vay, vì vậy nếu khách hàng cam kết vay 12 tháng nhưng tất toán sớm hơn thì các tổ chức tài chính cũng buộc phải cân đối lại kế hoạch của họ và cần phải có phí để thực hiện điều này. Theo ông Friedrich Weiss, quan trọng nhất là hợp đồng rõ ràng, dễ hiểu và khi đi vay, người TD phải đọc kỹ trước khi quyết định.
Tiềm năng lớn
Tín dụng TD của Việt Nam chỉ mới trong giai đoạn đầu phát triển và tiềm năng rất lớn. Hiện tỷ lệ tín dụng bình quân của Việt Nam chiếm khoảng 5-6% GDP (tại Mỹ là 17-18% GDP). Dự đoán trong vòng 5 năm tới, tỷ lệ này có thể đạt đến mức 10% GDP, tức tăng ở mức 20%/năm. Các nghiên cứu khác cũng đều cho thấy cho vay TD của Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới. Cụ thể, công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor dự báo, trong giai đoạn 2013-2016, thẻ tín dụng sẽ tăng trưởng 20-22%; hàng tiêu dùng tăng 15-17%; cho vay mua nhà tăng 12%; cho vay mua ô tô tăng 7% và xe máy tăng 5%.
Khó khăn vướng mắc của cho vay TD hiện nay là chưa có quy định về lãi suất rõ ràng. Trước kia, đã có quy định lãi suất cho vay TD tối đa của tổ chức tín dụng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước, đối với các công ty TC theo lãi suất thỏa thuận và được phép thu các loại phí liên quan. Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng do Quốc hội ban hành năm 2010, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011 lại thả nổi lãi suất cho vay và các hợp đồng vay vốn đang áp theo Luật Các tổ chức tín dụng và như thế lãi suất cho vay được thả nổi. Cần ấn định khung lãi suất cho vay TD hợp lý, linh hoạt nhằm thúc đẩy thị trường chính thức, hạn chế thị trường chợ đen và rủi ro kinh tế. Còn với các tổ chức tín dụng, cần đưa ra những sản phẩm cho vay TD đa dạng, tiện ích, đơn giản, dễ hiểu và phải niêm yết công khai mức lãi suất rõ ràng, minh bạch để tạo điều kiện cho khách hàng đưa ra quyết định chính xác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét