Thời gian qua, các văn bản pháp luật nói chung và quy định của NHNN nói riêng đều được thay đổi, điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện hơn cho các tổ chức kinh tế, DN hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư của các DN trong nước gần đây đang tăng lên. Để làm rõ một số vấn đề còn khúc mắc trong quá trình thực hiện, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã làm rõ thêm về vấn đề này.
* Nhiều DN có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài phản ánh việc chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư còn gặp khó khăn. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Khi DN có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài cần xác định rõ hình thức đầu tư trực tiếp hay gián tiếp để từ đó có những bước tiến hành xin cấp phép, chuyển tiền ra nước ngoài một cách phù hợp. Đối với đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, theo quy định thì được thực hiện theo hướng dẫn của NHNN Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến động khá phức tạp của thị trường tài chính quốc tế trong những năm vừa qua thì NHNN Việt Nam khá thận trọng và không khuyến khích hình thức đầu tư này nên chưa có hướng dẫn thực hiện.
Đối với hình thức đầu tư trực tiếp, quy định về thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khi có nhu cầu đầu tư. Thời gian xử lý hoàn tất chỉ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhà đầu tư (NĐT) đầy đủ hồ sơ theo quy định. Thực tế tại NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tất cả các dự án đầu tư đủ điều kiện đã được cấp xác nhận để chuyển vốn đầu tư đều diễn ra theo đúng tiến độ.
Chuyển tiền ra nước ngoài không khó nếu tuân thủ theo luật pháp
Đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã cấp, xác nhận đăng ký tài khoản ngoại tệ và tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài cho 128 dự án đầu tư vào 23 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với tổng vốn đầu tư trên 2,7 tỷ USD, trong đó vốn góp của các NĐT Việt Nam hơn 1 tỷ USD. Vì vậy, có thể nói, thủ tục xác nhận chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư hiện khá thuận lợi.
* Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi năm 2013 có quy định cởi mở hơn việc chuyển tiền ra nước ngoài, ông có thể nói rõ hơn nội dung này?
Thời gian qua, các văn bản pháp luật nói chung và quy định của NHNN nói riêng đều được thay đổi, điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện hơn cho các tổ chức kinh tế, DN hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Việc chuyển tiền ra nước ngoài để góp vốn, Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 có hai quy định bổ sung mới so với Pháp lệnh 2005. Cụ thể, bổ sung quy định về nguồn vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là ngoại hối từ nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Còn theo Pháp lệnh 2005 thì vốn đầu tư được thực hiện từ 3 nguồn: ngoại tệ trên tài khoản tại TCTD được phép, ngoại tệ mua tại TCTD được phép và nguồn ngoại tệ từ vốn vay.
Tuy nhiên, tại Thông tư 37/2012/TT - NHNN nội dung cho vay bằng ngoại tệ của TCTD thì quy định cho vay đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chỉ được thực hiện đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia đã được Chính phủ quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cũng được cụ thể hóa hơn khi được phép đầu tư là người cư trú không phải là TCTD, thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp khác về Việt Nam thì phải tuân theo những quy định của NHNN Việt Nam…
* Đang có ý kiến cho rằng sẽ nảy sinh trường hợp lợi dụng sự thông thoáng trong pháp lệnh ngoại hối mới nhằm mục đích chuyển tiền ra nước ngoài bất hợp pháp, gây khó khăn trong phòng chống rửa tiền?
Theo tôi, tạo điều kiện không có nghĩa là lỏng lẻo quản lý. Việc lợi dụng vấn đề đầu tư ra nước ngoài để thực hiện việc chuyển tiền ra nước ngoài bất hợp pháp hoặc rửa tiền là rất khó thực hiện. Để được đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, NĐT cần đáp ứng các điều kiện như: phải có dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước Việt Nam, tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài...
* Với những quy định này, NĐT phải trải qua quá trình thẩm tra, kiểm tra, xem xét rất chặt chẽ của nhiều cơ quan có thẩm quyền mới có được “tấm vé thông hành” đầu tư ra nước ngoài.
Về phía NHNN, quy định rất rõ các điều kiện để được cấp giấy xác nhận đăng ký tài khoản và tiến độ chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư. Trong đó, có 2 điều kiện tiên quyết là phải có giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và văn bản chấp thuận đầu tư do nước tiếp nhận đầu tư cấp. Ngoài ra, NHNN Việt Nam cũng quy định rất chặt chẽ chế độ báo cáo đối với các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Theo đó, 6 tháng một lần NĐT phải báo cáo tình hình thực hiện dự án, 1 năm một lần phải gửi NHNN báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư; hàng năm phải chuyển lợi nhuận (nếu có) về nước trong thời hạn 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính.
Thực tế, tại NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng nên thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các NĐT được cấp giấy xác nhận. Kiên quyết xử lý hoặc chuyển hồ sơ đề nghị các cơ quan có liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công an TP. Hồ Chí Minh xử lý đối với các NĐT không chấp hành các quy định về quản lý đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
* Nếu NĐT có nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư, làm cách nào để thực hiện nhanh chóng, thưa ông?
NĐT khi có nhu cầu thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài cần nghiên cứu và thực hiện đúng hướng dẫn tại các văn bản như Nghị định 78/2006/NĐ-CP (ngày 09/8/2006) Quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Thông tư 01/2001/TT-NHNN (ngày 19/01/2001) và Thông tư 25/2011/TT-NHNN (ngày 31/8/2011) của Thống đốc NHNN Việt Nam.
Đặc biệt, khi đăng ký chuyển tiền ra nước ngoài cần lưu ý dự án phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và có văn bản chấp thuận đầu tư do nước tiếp nhận đầu tư cấp. Để tiết kiệm thời gian, NĐT phải chủ động thực hiện thủ tục Hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan ngoại giao Việt Nam tại quốc gia đó ngay khi được cấp văn bản chấp thuận đầu tư (ngoại trừ một số quốc gia được miễn thủ tục này). Hoặc khi có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư, NĐT có thể liên hệ trực tiếp hoặc gửi văn bản đến NHNN địa phương để được giải đáp kịp thời.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Tuyết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét