Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Đô-la hóa và tiền gửi có kỳ hạn

Ecuador, Campuchia, Zimbabwe, hay Panama là những quốc gia bị đô-la hóa toàn phần khi sử dụng đồng USD làm đồng tiền chính thức.
Tiền gửi có kỳ hạn có ảnh hưởng nhất định đến đô-la hóa
Tiền gửi có kỳ hạn cũng có ảnh hưởng nhất định đến đô-la hóa
Trong khi đó, đã có nhiều quốc gia khác bị đô-la hóa một phần hoặc đô-la hóa phi chính thức. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu tỉ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng lượng tiền gửi (tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn vào ngân hàng vượt quá 50% thì được coi là đô-la hóa cao, từ 15-30% là mức trung bình và dưới mức này được coi là đô-la hóa thấp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đô-la hóa trên thế giới như USD là ngoại tệ mạnh và được chấp nhận rộng rãi nên người dân muốn nắm giữ để thuận tiện trong việc thanh toán, thu nhập của người dân ngày càng tăng và nhiều trường hợp được tính bằng USD hơn...

Nhưng một trong những nguyên nhân lớn nhất chính là việc mất lòng tin vào chính sách tiền tệ trong nước. Cụ thể, khi tỉ lệ lạm phát luôn cao và đồng tiền mất giá, chi phí nắm giữ nội tệ sẽ tăng lên và ai cũng muốn mua USD (ngoại tệ mạnh và dễ sử dụng tại hầu hết các quốc gia) nên tình trạng đô-la hóa càng xảy ra mạnh hơn. Hiện tượng này có thể thấy rõ ở Ecuador từ những năm 2000.

Lúc ấy, khi đứng trước bờ vực khủng hoảng kinh tế trầm trọng với toàn bộ hệ thống ngân hàng suy sụp, cộng với sự chống đối của người dân bản xứ và việc đồng nội tệ Sucre bị mất giá, Chính phủ Ecuador đã tiến hành nhiều biện pháp nhưng đều thất bại. Cuối cùng, nước này quyết định đô-la hóa nền kinh tế.

Trong khi đó, kể từ năm 1979, đồng Riel của Campuchia được lưu thông trở lại nhưng người dân vẫn có thói quen sử dụng đồng Baht hoặc USD. Thậm chí, hầu hết các ngân hàng đều không cho vay bằng đồng Riel. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc Campuchia sử dụng USD là một trong những lý do giúp các nhà đầu tư đặt niềm tin nhiều hơn vào thị trường nước này. Có lẽ vậy nên đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Campuchia đã tăng từ 38 triệu USD (1990) lên khoảng 3,5 tỉ USD trong năm 2007.

Cho đến nay, cả Ecuador và Campuchia đều được đánh giá là những quốc gia đô-la hóa đạt hiệu quả. Nền kinh tế của họ phát triển và ổn định hơn so với trước khi chính thức tuyên bố đô-la hóa toàn phần.

Về lý thuyết, đô-la hóa cũng là điều tốt khi chính phủ không thể tài trợ thâm hụt ngân sách bằng việc in tiền. Điều này hạn chế được tình trạng lạm phát cũng như sự ỷ lại dẫn đến vung tay quá trán của chính phủ nhiều quốc gia. Hơn nữa, đô-la hóa toàn phần sẽ giúp tỉ giá ổn định hơn do cố định theo USD.

Tuy nhiên, việc đô-la hóa cũng có nhiều mặt trái. Đầu tiên, sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền chính sẽ khiến cho chính sách tiền tệ không được chủ động. Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Jayant Menon đã đánh giá rằng “quá trình đô-la hóa làm giảm hiệu quả của các công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ và tỉ giá”.

Và tất nhiên, khi xảy ra khủng hoảng ngân hàng, nếu quốc gia bị đô-la hóa cao, ngân hàng nhà nước sẽ khó thực hiện chức năng người cho vay cuối cùng để giải quyết khủng hoảng do không thể in thêm tiền, tức chính sách tiền tệ không độc lập. Thậm chí, có thể tạo cơ hội đầu cơ chống lại đồng nội tệ, gây ra tình trạng khủng hoảng tiền tệ. Thêm vào đó, tình trạng đô-la hóa cao sẽ dẫn đến việc quốc gia không có khả năng phá giá đồng tiền hay điều chỉnh lãi suất, có nghĩa là tăng trưởng kinh tế có thể chậm hơn.

Có lẽ vì những lý do như vậy mà Việt Nam đã chọn con đường chủ động chính sách tiền tệ và loại bỏ tình trạng đô-la hóa ra khỏi nền kinh tế. Trước năm 2011, nhu cầu mua đồng ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân khá cao khiến cho thị trường chợ đen phát triển mạnh. Việc này đã gây ra tình trạng 2 tỉ giá và tỉ giá phi chính thức luôn cao hơn tỉ giá chính thức.

Chẳng hạn, trong quý IV/2010, “tỉ giá trên thị trường tự do có lúc lên tới 21.200 đồng, cao hơn tỉ giá trần của Ngân hàng nhà nước tới gần 9%”, theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Điều này gây khó khăn khi kiểm soát ngoại tệ, thiệt hại cho một bộ phận doanh nghiệp và người dân phải đổi ngoại tệ giá cao hơn.

Hiện nay, tình trạng đô-la hóa ở Việt Nam đã giảm đáng kể, tỉ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn trong hệ thống ngân hàng từ mức trên 30% những năm 1990 xuống còn khoảng 12% vào cuối năm 2013. Sở dĩ như vậy là vì Việt Nam đã áp dụng khá nhiều biện pháp đồng bộ như tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, cấm mang ngoại tệ và vàng để thanh toán hàng hóa dịch vụ trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô...

Trên thế giới, các quốc gia cũng kiểm soát đô-la hóa bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, Singapore chọn cải cách hệ thống ngân hàng và giám sát tài chính hiệu quả. Philippines thì hạn chế bán và khuyến khích mua đồng Peso, kiểm soát chặt chẽ các giao dịch ngoại hối, nhất là các giao dịch tiềm ẩn nguy cơ đầu cơ. Còn Trung Quốc hạn chế tối đa các giao dịch trong nước sử dụng ngoại tệ, trừ các cửa hàng miễn thuế.

Dù vậy, Tiến sĩ Jonathan R. Pincus, nguyên Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng cấm giao dịch bằng đô-la không phải là lựa chọn khả thi. Theo ông, cách này chỉ đơn giản là giảm số lượng trung gian tài chính xảy ra thông qua hệ thống ngân hàng chính thức, đẩy hộ gia đình và doanh nghiệp vào khu vực phi chính thức, mà không làm giảm đi tầm quan trọng của đô-la.

Theo Nhịp cầu đầu tư


Nguồn:

http://laisuat.vn/tin-tuc/2-mat-cua-do-la-hoa--9200.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét