Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND được một số ngân hàng tiếp tục cắt giảm khá mạnh, trong đó, kỳ hạn ngắn chỉ còn khoảng 5,5%/năm. Dù hiện tượng giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm này không diễn ra rầm rộ nhưng cũng giúp ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay.

ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm
Thừa tiền, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm


Theo biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn truyền thống VND mới nhất tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 - 2 tháng chỉ còn 5,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng còn 5,6%/năm. Các mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm này hiện giảm thêm khoảng 0,4%/năm so với đợt cắt giảm trước đó vào khoảng đầu tháng 4.

Không chỉ cắt giảm các kỳ hạn ngắn, lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn dài cũng được ACB giảm khá mạnh. Điển hình như kỳ hạn 6 tháng, hiện ngân hàng này giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm từ 6,55%/năm xuống 6,1%/năm; kỳ hạn 9 tháng cũng giảm 0,6%/năm, còn 6,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm từ 7,7%/năm xuống 6,9%/năm. Với các kỳ hạn 13, 24, 36 tháng, ngân hàng này hiện áp dụng các mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm tương ứng là 7,6%/năm - 7,4%/năm - 7,5%/năm.

Một trong những ngân hàng nằm trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cắt giảm thêm lãi suất huy động đợt này phải kể đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank). So với biểu lãi suất lãi suất tiền gửi tiết kiệm trước, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 7 - 8 tháng đã được ngân hàng giảm thêm 0,15%/năm, từ 6,55%/năm còn 6,4%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,2%, từ 6,7%/năm xuống 6,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 11 tháng giảm 0,1%, từ 6,8%/năm xuống 6,7%/năm…

Như vậy, tiếp nối đợt cắt giảm lãi suất huy động đầu tháng 4, hiện thị trường ngân hàng đã xuất hiện một số ngân hàng thương mại cổ phần cắt giảm tiếp lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, trước và sau quyết định hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng của Ngân hàng Nhà nước hồi cuối tháng 3, thị trường ngân hàng đã có thêm đợt điều chỉnh hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn ngắn.

Vào khoảng đầu tháng 4, một số ngân hàng như Eximbank, Sacombank, ACB… cũng đi đầu trong việc giảm lãi suất huy động VND. Đáng chú ý, một số ngân hàng còn cắt giảm lãi suất huy động chỉ sau vài ba ngày điều chỉnh trước đó.

Trước đó, vào chiều 17/3, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định chính thức về việc giảm trần lãi suất huy động với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo quy định, trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm, còn trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm. Trên thực tế, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn hiện còn rất ít ngân hàng duy trì ở mức 6%/năm.

Với các kỳ hạn huy động trên 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng được ấn định lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Theo đánh giá của chuyên gia tài chính, việc ngân hàng cắt giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay không phải là biểu hiện thiếu vốn, mà là để tiết giảm chi phí đầu vào nhằm giảm thêm lãi suất cho vay. Ghi nhận từ thị trường cũng cho thấy, dù lãi suất huy động giảm giảm mạnh nhưng dòng tiền “dư thừa” vẫn không “chảy” khỏi các ngân hàng.

Đến ngày 22/4/2014, huy động vốn của cả hệ thống tăng 3,09% so với cuối năm 2013; thanh khoản của các ngân hàng được đảm bảo, lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm và hiện ổn định ở mức thấp. Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sau khi giữ ổn định các mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong hơn 2 tháng đầu năm, từ ngày 18/3, mặt bằng lãi suất huy động VND đã giảm 0,5% - 1,5%/năm so với cuối năm 2013; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1%/năm.

Khẳng định tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đang diễn ra tại Hà Nội ngày 28/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay, giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm là mục tiêu của ngành Ngân hàng trong 2 năm qua. Cứ 10 ngày, Ngân hàng Nhà nước lại xem xét khả năng giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm của thị trường và thấy có cơ hội sẽ giảm ngay.

Thông báo thêm về tình hình giảm lãi suất cho vay ở các khoản vay trước đây, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình thì: “Đến ngày hôm nay, lãi suất trên 13% của toàn hệ thống chỉ chiếm 16% tổng dư nợ, còn các khoản vay có lãi suất trên 15% chỉ còn 5%. Chỉ cách đây 2 năm (năm 2012), tổng các khoản vay có lãi suất trên 15% chiếm đến 70% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Qua đó, cho thấy bức tranh cơ cấu lãi suất đã có sự thay đổi rất rõ rệt”.

Theo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước, hiện các khoản vay có lãi suất trên 13% chủ yếu rơi vào 3 lĩnh vực là cho vay tiêu dùng, bất động sản và các khoản nợ quá hạn. Mức lãi suất cho vay hiện nay trên 13% chủ yếu là ở lĩnh vực cho vay tiêu dùng, theo Thống đốc Bình nhận định là phù hợp với thông lệ để tránh tình trạng cho vay nặng lãi ở thị trường chợ đen.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho biết thêm, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm về cơ bản sẽ ổn định, nếu có điều kiện sẽ tiếp tục giảm hơn nữa. Từ đầu năm đến nay, tùy từng lĩnh vực khác nhau, lãi suất đã giảm 0,5-2% và sẽ tiếp tục giảm thêm để cả năm biên độ giảm đạt 1,5-2% mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm các loại kỳ hạn.

Để các doanh nghiệp yên tâm, Thống đốc thông báo, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện tại đang rất lớn, không những đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế, mà hiện nay còn dự trữ vốn để đề phòng bất kể lúc nào cầu của nền kinh tế khởi sắc thì sẵn sàng có vốn để đưa cung ứng ra ngay mà không ảnh hưởng đến lạm phát.

Nguyễn Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét