Ngày 17/7/2014, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối (Nghị định 70).
Nghị định 70 thay thế Nghị định 160 và sẽ có hiệu lực vào ngày 05/9/2014 với một số điểm mới sau:
Từ 5/9, chỉ người Việt Nam mới được gửi tiết kiệm ngân hàng ngoại tệ |
Về kết cấu và phạm vi điều chỉnh
Một điểm khác biệt với Nghị định 160 là Nghị định 70 không quy định các nội dung về (i) mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt và vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh; (ii) đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, (iii) đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, (iv) đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, (v) vay và trả nợ nước ngoài của người cư trú không có bảo lãnh của Chính phủ; (vi) người cư trú là tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế cho vay, thu hồi nợ nước ngoài và bảo lãnh cho người không cư trú; (vii) quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối; (viii) mở và sử dụng tài khoản của người cư trú, người không cư trú tại tổ chức tín dụng, (ix) sử dụng tiền của nước có chung biên giới; (x) quản lý vàng; (xi) quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; (xi) cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng. Các nội dung này đã và đang được quy định riêng tại các Nghị định của Chính phủ và quy định tại các thông tư của Ngân hàng Nhà nước do Pháp lệnh ngoại hối đã giao cho Ngân hàng Nhà nước trực tiếp hướng dẫn.
Về thanh toán và chuyển tiên liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và các nguồn thu vãng lai khác
Nghị định 70 bỏ quy định cho phép các trường hợp thanh toán xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ tiền mặt. Theo đó, Nghị định 70 chỉ quy định “mọi giao dịch thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện bằng hình thức chuyển khoản thông qua tổ chức tín dụng được phép”, nội dung “trừ một số trường hợp thanh toán bằng tiền mặt được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận.
Về đối tượng được sử dụng ngoại tệ gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng được phép
So với Nghị định 160, Nghị định 70 đã thu hẹp đối tượng được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép chỉ là “công dân Việt Nam”; không bao gồm cả người cư trú là người nước ngoài như Nghị định 160 trước đây. Thay đổi này phù hợp với quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi.
Về mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam
Điểm mới tại Nghị định 70 là việc mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của người cư trú có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh có thể thực hiện bằng ngoại tệ và bằng đồng Việt Nam (đối với trường hợp thực hiện đầu tư bằng đồng Việt Nam) trong khi Nghị định 160 chỉ quy định cho phép mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ. Thay đổi này rất có ý nghĩa cho hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nhất là các trường hợp đầu tư bằng nguồn thu nhập hợp pháp bằng đồng Việt Nam.
Về chuyển thu nhập từ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài
Nội dung này tại Nghị định mới (Điều 9) về cơ bản là tương tự quy định tại Nghị định 160 tuy nhiên có sự thay đổi trong thời hạn chuyển ngoại tệ ra nước ngoài là thay vì thời hạn 30 ngày gồm cả ngày nghỉ và ngày lễ tại Nghị định 160 thì thời hạn theo Nghị định 70 dài hơn khi quy định thời hạn 30 ngày chỉ tính các ngày làm việc.
Quy định về thị trường ngoại tệ của Việt Nam
So với quy định tại Nghị định 160 (Điều 37) thì Nghị định 70 bỏ quy định về thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tập trung do Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Điều này xuất phát từ thực tế là sau khi Nghị định 160 ban hành cho tới nay, việc thành lập thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tập trung được đánh giá là không còn phù hợp với xu thế phát triển của thị trường ngoại tệ hiện nay. Hiện nay giao dịch hối đoái giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng và giữa các tổ chức tín dụng với nhau được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật riêng của NHNN như Thông tư số 02/2012/TT-NHNN, Quyết định 1452...
Ngoài ra, Nghị định 70 cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến kiểm tra chứng từ; đáp ứng nhu cầu ngoại tệ để thanh toán; thanh tra, kiểm tra, giám sát và báo cáo, bổ sung thẩm quyền hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại một số quy định về chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài, mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài của người cư trú là tổ chức.
Nguồn:
igi.com.vn/Tu-5-9-chi-nguoi-Viet-Nam-moi-duoc-gui-tiet-kiem-ngoai-te_5_30824.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét